Bài phỏng vấn từ báo Lẻ Phải, Virginia:


LỜI TÒA SOẠN: Nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa, Tiếng Sáo Thần Nguyễn Đình Nghĩa đã đột quỵ rồi hôn mê suốt bảy tháng qua…Hiện nay, ông đã có những lúc tỉnh táo, tuy chưa nói năng nhưng đã nhận được người thân. Tri kỷ của ông, người bạn đời của ông, bà Trịnh Diệu Tân và những người con của đôi vợ chồng nghệ sĩ: Đoan Trang, Nam Phương, Đình Nghị, Đình Chiến, Đình Hòa đã tất bật suốt bảy tháng qua để lo lắng cho ông! Xin mời quý độc giả theo dõi buổi trò chuyện của Tương Nghi và bà Trịnh Diệu Tân, để biết thêm về người nghệ sĩ tài danh Nguyễn Đình Nghĩa…

 


Tương Nghi: Tương Nghi xin chào chị Diệu Tân!


Trịnh Diệu Tân: Xin kính chào quý độc giả. Thân chào Tương Nghi.


Tương Nghi: Mùa hè vừa qua khi Tương Nghi vào thăm chị và nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa ở bệnh viện, lúc ấy trông chị thật là tiều tụy, hôm nay nhìn chị có thần sắc và cứng rắn hơn mấy tháng trước nhiều lắm!


Trịnh Diệu Tân: Anh Nghĩa ngã xuống tại New York, trên sân khấu của American History Museum vào tháng 5, ảnh được đưa vào bệnh viện Lenoxhill. Trong suốt 9 tuần lễ, ở một nơi mà đời sống xô bồ và xa lạ, không có bạn, không có thân nhân, nhìn ảnh nằm lúc mê lúc tỉnh, tôi cũng như nửa mê nửa tỉnh. Mỗi giờ phút nắm bàn tay còn hơi ấm của ảnh để biết chính mình còn đang sống. Thật sự cả thể xác hình như đã tê dại lại, chỉ còn một sinh vật nhỏ bé còn thở, còn quằn quại, đó là trái tim tội nghiệp của mình. Khi xe ambulance đưa Nghĩa trở về bệnh viện Maryland, tôi mới tỉnh hồn tỉnh vía vì biết anh đã vượt qua được những giờ phút nguy hiểm nhất. Giữa đám chăn nệm trắng xóa, Nghĩa mở mắt nhìn tôi, tôi chợt hiểu sâu xa rằng tôi phải đứng rất vững, rất khỏe mạnh để nâng đỡ anh trở lại.


Tương Nghi: Lần cuối cùng Tương Nghi gặp nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa thì ông vẫn còn hôn mê, xin chị cho Tương Nghi và các độc giả được biết hiện giờ tình trạng của nhạc sĩ như thế nào? Có khả quan hơn mấy tháng trước đây không?


Trịnh Diệu Tân: Rất nhiều lần bệnh viện đã đưa ảnh về rehab nursing home, nhưng bệnh tiểu đường của ảnh lâu năm đã làm ảnh suy nhược quá, kháng sinh cơ thể yếu nên hay bị sốt thường xuyên và lại phải đưa vào emergency. Nhưng bây giờ tính ra đã được 7 tháng, thần sắc anh đã tỉnh táo hơn nhiều, nhận được hết bạn bè vào thăm, xem ti-vi nhớ được nhiều tài tử, cơ mặt đã hoạt động lại khi anh khóc, và khóe mắt đã có những giọt nước mắt. Anh có thể cử động được chút đỉnh các ngón chân và ngón tay phía bên mặt.


Tương Nghi: Ngoài bộ đàn T’rưng, sáo và những tấu khúc như “Phụng Vũ” tài danh của ông, xin chị cho biết thêm một số sinh hoạt, hoặc những công trình khác mà nhạc sĩ đã và đang dự định hoàn tất trước đây.


Trịnh Diệu Tân: Trước 75, Nghĩa hoạt động rất nhiều lãnh vực. Anh đã từng là lực sĩ điền kinh, nhảy cao, nhảy sào. Là môn sinh của phái Thiếu Lâm, xuất thân từ lò Tư Cụng. Năm 20 tuổi, chúng tôi đã thành hôn. Lúc đó, ảnh cho tôi vào đại học luật khoa và ảnh đã dấn thân vào âm nhạc. Lúc đầu, anh Phạm Duy giới thiệu Nghĩa đi làm ở phòng trà Anh Vũ. Sau đó làm rất nhiều cho đài phát thanh trong các chương trình thi ca như Tao Đàn của anh Đinh Hùng, chương trình Mây Tần của anh Kiên Giang, thi nhạc giao duyên của anh Duy Khánh, Vĩnh Phan, Hồ Điệp, Bửu Lộc, Ngô Nhật Thanh v..v.. Sau đó anh vào Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương và bắt đầu đi trình diễn khắp bốn vùng chiến thuật. Anh cũng đã được đưa đi trình diễn ở ngoại quốc trong các nhóm nghệ sĩ đại diện quốc gia như Thái Lan, Mã Lai, Phi Luật Tân, Pháp v..v.. Anh rất thành công ở hải ngoại với hai bài sáo do anh sáng tác là bản Phụng Vũ và Thần Triều. Nhưng khúc nhạc sáo mà anh sáng tác mà tôi hài lòng nhất là bản Đoạn Trường. Nghe khúc nhạc này, thật sự đứt cả ruột gan, đến trăng cũng vỡ và hoa tươi cũng tàn rũ. Tiếng sáo của Nghĩa thật sự lúc dữ dội như sự cuồng nộ của biển cả, lúc dịu dàng tha thướt như những lọn mây trời.


Nghĩa sáng tác rất sớm. Năm 20 tuổi đã viết rất nhiều bản nhạc như Sương Khuya, Nỗi Buồn Thiếu Phụ, Giọt Lệ Tình, Đôi Bờ v..v..; anh còn in tập dạy sáo bán rất chạy và hầu như tái bản cả chục lần. Anh còn dịch 2 quyển Tự Học Harmonica của Pháp ra tiếng Việt. Năm gần 30 tuổi anh nỗi tiếng khi báo chí nói rất nhiều về anh qua hai cuốn phim Đời Võ Sĩ và Đời Phóng Viên, đóng chung với Tâm Phan và Bích Thủy. Quá 30 tuổi, Nghĩa bắt đầu sản xuất băng nhạc. Đã ra mắt được 4 cuốn tân nhạc tựa đề “22 giờ đêm” và hai cuốn cải lương với tựa đề Đại Hội Huy Chương Vàng. Đồng thời ảnh cũng ra cuốn băng độc tấu sáo với những bản nhạc tiền chiến. Anh còn sản xuất sáo trúc và tung ra bán cho cả nước. Đầu thập niên 70, Nghĩa còn đi dạy Quốc Nhạc ở đại học Vạn Hạnh.


Sau biến cố 75, Nghĩa ít có cơ hội trình diễn ngoài những lần đi hát chui với Duy Khánh trong đoàn Ngọc Giao. Lúc này, anh có nhiều thời gian để nghiên cứu về nhạc cụ. Cũng như Phan Nhật Nam đã nói, cả khu nhà nhỏ bé của chúng tôi mọc lên cả một rừng tre trúc. Nghĩa đã bỏ tâm huyết 10 năm để tạo ra những nhạc cụ cải tiến. Đó là sáo trúc 11 lỗ bấm, tấu được tất cả nhạc thế giới. Và chiếc đàn T’rưng thô sơ đã biến dạng với chiếc đàn đồ sộ 52 ống. Bây giờ điều ảnh đang làm dỡ dang là chiếc đàn Cộng Hưởng, đàn đá. Và âm ỉ trong lòng anh là thực hiện cho được chiếc đàn lửa.


Tương Nghi: Thưa chị, Tương Nghi đã vài lần được xem Nguyễn Đình Nghĩa và gia đình trình diễn ở một vài nơi, những lần đó có Đoan Trang, Nam Phương, Nguyễn Đình Nghị, Nguyễn Đình Hòa, Nguyễn Đình Chiến, lần trình diễn nào cũng để lại trong lòng Tương Nghi nói riêng và khán giả nói chung nhiều hảnh diện và cảm phục. Đoan Trang ngoài hấp thụ của cha được cái hồn của tiếng sáo, Đoan Trang còn rất điêu luyện với những nhạc cụ khác như trống, đàn T’rưng, và nhất là Tam Thập Lục. Nam Phương thì chuyên về đàn tranh, và có ngón đàn bầu rất ngọt mà Tương Nghi gọi là tiếng đàn “Câu Hồn Khách”. Nguyễn Đình Nghị thì xử dụng sáo mèo, ngọt ngào, truyền cảm. Hai anh em sinh đôi Nguyễn Đình Hòa, Nguyễn Đình Chiến thì giỏi guitar, trống và đã từng xuất bản CD. Để đào tạo 5 người nghệ sĩ tài hoa như thế kia trong một gia đình, nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa phải là một người làm việc năng động, là một người thầy, một người cha có một kỷ luật nghiêm túc và nhất là phải say mê nghệ thuật ghê lắm phải không thưa chị?


Trịnh Diệu Tân: Tất cả cuộc đời Nghĩa đã thật sự hiến dâng cho âm nhạc. Anh đã lao vào với tất cả sức sống, say mê và nâng niu nhạc cụ, chìm đắm trong cái thế giới huyền hoặc của âm thanh. Về sau này anh nghiên cứu về sáng tác nhạc Thiền, anh sắp sửa hoàn tất một CD Thiền thứ hai, nhưng đáng tiếc anh đã bỏ dỡ.


Các con tôi, Đoan Trang, Nam Phương, Nghị, Chiến, Hòa đã được sự dạy dỗ, trui rèn của cha nhưng hoàn cảnh và đời sống đã không đạt được hết chân truyền của ảnh. Nhưng ít ra, trong cõi nhân sinh chật hẹp này, âm nhạc đã làm cuộc đời cha con họ một chút thăng hoa.


Tương Nghi: Thưa chị, cơ duyên nào đã khiến nhạc sĩ bỏ công miệt mài nghiên cứu và chế tạo bộ đàn T’rưng? Chị có thể nói sơ qua cho độc giả biết sự cấu trúc của nó và thời gian hòan tất là bao lâu?


Trịnh Diệu Tân: Anh Nghĩa là người yêu âm nhạc, âm thanh huyền hoặc của tiếng đàn T’rưng đã lôi cuốn anh. Trong 10 năm nghiên cứu, từ chiếc đàn nguyên thủy một cột hơi, anh đã cải tiến ra thành 2 cột hơi giao thoa để có thể chơi được những nốt cao nhất và hoàn thành đàn T’rưng bass đồ sộ với những nốt trầm, có thể trình tấu được nhạc cổ điển tây phương. Cũng như cải tiến cây sáo 6 lỗ thành 11, 16 lỗ; cây sáo có khả năng tấu được nhạc cổ điển tây phương đồng thời vẫn trình tấu được nhạc Việt Nam với các nốt láy luyến mà không mất âm sắc của cây sáo nguyên thủy. Cây sáo 11 lỗ cải tiến là một bước dài trong quá trình cải tiến nhạc cụ Việt Nam, với khả năng chơi được những nốt thăng giáng mà người nghệ sĩ khi trình tấu trong dàn nhạc không cần phải thay đổi sáo. Ngoài ra anh Nghĩa cũng sáng tạo cây đàn T’rưng cộng hưởng với nguyên lý vật lý âm thanh, cộng hưởng cách không tức khi một dây đàn cùng một tầng số âm thanh gõ vào thì dây đàn khác cùng ngân lên, áp dụng vào đàn T’rưng, cho tiếng đàn có độ rung ngân dài và vang.


Tương Nghi: Thưa chị, có vài lần Tương Nghi được nghe những bài hòa âm mà Đoan Trang phổ từ thơ của một vài thi sĩ, những bản hòa âm này chưa hề trình diễn trước công chúng, trong số những bài hòa âm đó là bài “Thủy Bạc Ca” mà nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa ưng ý nhất. Tương Nghi còn nhớ nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa đã từng bảo nhỏ với Tương Nghi rằng bản hòa âm này của Đoan Trang đã đạt tới mức thượng thừa và có thể dựng thành một nhạc cảnh qui mô, hùng tráng; xin chị cho biết, để có một vốn liếng về nhạc lý như vậy, Đoan Trang phải bắt đầu học nhạc từ năm bao nhiêu tuổi? Trong những ngày đầu theo cha vào con đường âm nhạc, Đoan Trang có một kỷ niệm nào khiến cho chị phải nhớ mãi không?


Trịnh Diệu Tân: Trong số các con tôi, Đoan Trang và Hòa là hai đứa mê nhạc nhất. Đoan Trang đã học hòa âm với cha Tiến Dũng lúc trẻ và có một vốn liếng âm nhạc khá vững. Nhưng giữa hai thế hệ, Nghĩa và Đoan Trang lúc nào bàn thảo về âm nhạc cũng có những tư tưởng đối chọi nhau. Nghĩa vẫn than phiền với tôi là Đoan Trang không dùng “Tâm” mà chỉ dùng “Trí” trong âm nhạc. Nên khi Đoan Trang hòa âm bài “Thủy Bạc Ca” của nhà thơ Trần Nghi Hoàng, Nghĩa vẫn còn nhiều nghi vấn. “Thủy Bạc Ca” của anh Trần Nghi Hoàng là một đỉnh cao của thi ca, làm sao có thể diễn đạt hết những chất ngất hào khí của những đấng anh hùng mã thượng. Nhưng thực sự Đoan Trang đã đạt được thành công tốt đẹp trong một lối hòa âm thượng thừa để dựng nên một nhạc cảnh qui mô, lối diễn đạt hào tráng của một bãi chiến trường với tiếng vó ngựa, tiếng trống thúc quân, tiếng sát phạt của binh khí và sau đó là sự êm dịu hòa hoãn nhưng cũng đượm nét thê lương của chiến trường.


Nghĩa nghe xong bản nhạc, tôi nhìn thấy nét nghiêm trọng rất lâu của anh, và sau đó là nụ cười rạng rỡ; anh nói với tôi: “Trang đã đạt được nét thiền của âm nhạc, đó là ngộ của sáng tạo và thoát của âm thanh.”


Tương Nghi: Thưa chị, trong quá trình dài trên con đường phục vụ âm nhạc và với những thành tựu mà nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa đã đạt được, chắc chắn ông đã trải qua rất nhiều hy sinh và thử thách và chị là người đã từng chia sẽ những nỗi vui buồn của ông hơn ai hết, qua những kinh nghiệm đó, và nhất là bây giờ, chị có kỳ vọng những người con tài hoa của chị như Đoan Trang (vừa xuất hiện trong một buổi trình diễn rất thành công cùng với em trai là Nguyễn Đình Hòa ở Nam, Cali), hay Nam Phương tiếp tục đoạn đường mà nhạc sĩ đang bỏ dỡ?


Trịnh Diệu Tân: Âm nhạc là nghệ thuật hàng đầu, chắc chắn các con tôi sẽ không bỏ dỡ con đường của ba chúng đang đi. Đó không những là lý tưởng, là ước nguyện, là nỗi sống, là nỗi chết, còn là tim óc là máu đang lưu chuyển trong cơ thể của mỗi đứa. Tôi vẫn nói với Nghĩa: “Em cám ơn anh đã cho em tiếng sáo làm hồng đời em, và cám ơn anh đã cho em những đứa con tài hoa.”


Tương Nghi: Thưa chị, ngoài vai trò một người vợ hiền lúc nào cũng khuyến khích, chia sẽ với người chồng tài hoa của mình, chị cũng đã từng là một nhà văn có tác phẩm trước năm 75, viết lời cho vài nhạc phẩm mà nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa đã phổ, đã sát cánh bên người nhạc sĩ này suốt bao năm nay từ những buổi trình diễn trong cũng như ngoài nước, trong tương lai... chị có dự định viết, sáng tác nữa không? Chẳng hạn như viết tiếp về “Câu Chuyện Một Đêm Trăng” rất đẹp mà nhà văn Phan Nhật Nam đã từng kể?


Trịnh Diệu Tân: Lúc còn đi học, tôi vẫn viết truyện ngắn. Năm 1968 tôi đã xuất bản đầu tay quyển “Mảnh Vụn”. Sau định ra mắt tiếp quyển “Một Đời Lang Thang” nhưng đã không thành. Bây giờ vẫn viết lai rai nhưng không nhiệt tình lắm. Có thể đời sống đã làm tâm hồn mình cằn cỗi đi. Nhưng đôi lúc vẫn thấy rung động vì một luống cỏ hay một làn khói mỏng manh như có một hôm nào đó trong bệnh viện nhìn Nghĩa nằm giữa đám chăn nệm trắng xóa, trong cái im lặng vô cùng của trời đất, tôi nhìn qua khung cửa kính thấy một đóm lửa nhỏ hiu hắt trong một căn nhà nào đó ở rất xa. Tôi rớt nước mắt thèm một bửa cơm gia đình có Nghĩa và các con tôi. Và tôi muốn cầm bút viết vô cùng…


Tương Nghi: Nếu có được một điều ước duy nhất, chị sẽ ước gì?


Trịnh Diệu Tân: Tương Nghi đã hỏi một điều mà tôi đã tự hỏi tôi rất nhiều lần. Tôi không biết phải trả lời như thế nào. Nhưng tự trong thâm tâm, trong sâu thẩm của tiềm thức, tôi khao khát được nghe lại tiếng sáo của những ngày tháng cũ. Tiếng sáo của mấy chục năm về trước. Tiếng sáo nhọn hoắt lướt thướt qua những tàng cây sầu đông, làm lao chao ánh trăng, làm bàng hoàng nỗi nhớ…


Điều mơ ước cuối đời, xin được nghe tiếng sáo dưới những tàng cây sầu đông.


Tương Nghi: Xin cám ơn chị về buổi trò chuyện hôm nay. Nếu Tương Nghi cũng có một điều ước, Tương Nghi xin ước cho điều mơ ước của chị sẽ trở thành sự thật trong một ngày không lâu.